Có một thời gian, trà sữa trân châu đã gần như bị rơi vào quên lãng. Người ta thậm chí còn chẳng nhắc đến trong menu quán nước. Nhưng điều gì đã xảy ra? Để rồi giờ đây cụm từ “Trà sữa trân châu” luôn chễm chệ nằm ở vị trí đầu tiên trong danh mục các loại thức uống của bất kỳ quán nước nào. Đằng sau sự “chuyển mình” đó là cả một câu chuyện thú vị về nguồn gốc trà sữa trân châu.

Mục Lục
Trà sữa trân châu bao nhiêu tuổi?
Thức uống được ưa chuộng nhất của giới trẻ ngày nay thực tế đã có lịch sử hình thành và phát triển gần 40 năm. Từ những năm 1980, thức uống này đã được bày bán tại các cửa hàng ở Đài Trung, Đài Loan. Trà sữa ngay từ thời điểm đầu là loại thức uống được chế biến từ trà xanh hoặc trà đen và cho đến nay không hề thay đổi. Ngay cả cách chế biến bằng việc lắc sữa chung với trà nguyên liệu để cho ra trà sữa cũng vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay trên các bàn pha chế.

Hành trình vươn xa vạn dặm của “trái bong bóng” trà sữa
Cách thức hòa chung trà xanh hoặc trà đen với một phần sữa đặc hay sữa tươi, sau đó dùng bình lắc (Shaker) để trộn đều đã tạo nên một lớp bọt bong bóng mỏng trên bề mặt và trong lòng chất lỏng màu trắng ngà hấp dẫn này. Và đó cũng là lý do mà trà sữa có cái tên khởi đầu là “Bubble Tea”, tạm dịch là Trà Bong Bóng. Loại trà thơm mùi sữa và “bập bềnh” bọt bong bóng này sau đó đã trở nên rất thịnh hành và có một cuộc hành trình đi khá xa, đến tận các nước và tiểu vùng trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Singapore và Việt Nam. Thậm chí “bong bóng trà” còn bay xa hơn thế để đến được cả nền văn hóa ẩm thực ở Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ cách xa nửa vòng trái đất.
Khi “đặt chân” đến các nước khác, trà sữa với cái tên tiếng Anh “Bubble tea” đã cho thấy rõ sự khác biệt cơ bản so với các loại trà đã tồn tại từ bao đời nay tại địa phương. Ngoài đặc trưng là bọt bong bóng, sự khác biệt còn đến từ các hạt tròn màu nâu nằm dưới đáy ly làm từ bột mì hay bột sắn, người ta gọi là hạt trân châu. Kết hợp chúng lại, ta có cái tên trà sữa trân châu như bây giờ.
Đặc sản trà “đúng điệu” Đài Loan này đã du nhập vào Việt Nam vào năm 2000. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trà sữa trân châu chỉ đơn giản là trà sữa và trân châu, được dùng như một loại thức uống giải khát Cũng chính vì sự đơn điệu trong cả nguyên liệu pha chế lẫn cách thưởng thức mà trà sữa trân châu chưa có sức ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người Việt. Đa phần các ly trà sữa trân châu lúc này chỉ được phục vụ đến tay người dùng chủ yếu qua các quán xá ven đường, những chiếc xe đẩy ngoài phố hoặc trong chợ.

Trà sữa Việt tròn 7 tuổi
Năm 2012, thời kỳ mở cửa giao thương phát triển mạnh mẽ, các thương hiệu Đài Loan bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam, mang theo sự “cải cách” trong văn hóa uống trà nói chung và trà sữa nói riêng. Từ những quán nước ven đường bán cầm chừng trong nguy cơ đóng cửa, dẹp tiệm, trà sữa đã được thổi một làn gió mới, trở thành một trào lưu phát triển cực mạnh trong giới trẻ. Các hàng quán xập xệ trước kia được thay thế bằng những cửa hiệu “sang chảnh”, thiết kế nội thất sang trọng và phục vụ với một phong cách hiện đại. Trà sữa trân châu “nhảy một bước” rất xa và rất cao, trở thành một thức uống của sự trẻ trung, hiện đại và phong cách.

Tốc độ phát triển theo cấp số nhân
Từ giới trẻ, trà sữa nhanh chóng lan rộng và phổ biến đến nhiều độ tuổi và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Từ các em thiếu nhi đến những người trung niên hay cao niên, từ công nhân lao động chân tay cho đến nhân viên văn phòng, hầu như mọi độ tuổi và đối tượng trong xã hội đều ưa chuộng trà sữa và thưởng thức theo một cách rất riêng. Trà sữa trân châu không chỉ còn đơn thuần là trà xanh, trà đen pha với sữa và dùng chung với những hạt nâu tròn làm từ củ sắn. Danh mục các món nước được biến tấu từ trà sữa trân châu ngày càng đa dạng và phong phú thuộc đủ mọi mức giá và phục vụ rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Từ vài quán xá ven đường bán cầm chừng, giờ đây trà sữa đã hình thành rất nhiều hệ thống và thương hiệu lớn với hơn 1500 điểm kinh doanh trải rộng khắp cả nước. Con số này không ngừng tăng lên, trong đó có 500 địa điểm kinh doanh rất lớn với các thương hiệu nổi tiếng như Gong Cha, Ding Tea, Tiên Hưởng, BoBaBop… Hơn một nửa trong số đó là những thương hiệu đến từ các quốc gia nổi tiếng về trà như Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Các thương hiệu Việt cũng không ngừng cải tiến và cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu quốc tế.

Thai nghén, thoái trào để rồi phát triển như nấm sau mưa
Tựu chung, trà sữa trân châu ở Việt Nam cũng có một giai đoạn thai nghén, thoái trào để rồi phát triển như vũ bão. Hương vị trà sữa trân châu tương đối dễ chịu, dễ uống, phù hợp với nhiều lứa tuổi và đối tượng khác nhau. Mặt khác, cùng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội, người kinh doanh trà sữa theo mô hình quán nước cũng như nguyên liệu pha chế ngày ngày đang nỗ lực cải tiến sản phẩm của mình để phục vụ mọi người.
Nguyên liệu pha chế là yếu tố cơ bản làm nên thành công của một ly trà sữa và xa hơn là của một thương hiệu trà sữa. Chính vì thế, chọn lựa được nguồn nguyên liệu chất lượng gần như là yếu tố then chốt để bạn đặt một chân vào thị trường kinh doanh nước uống đầy cạnh tranh. Trong thế giới muôn màu của trà sữa thì trà sữa trân châu truyền thống vẫn tồn tại một cách vững bền qua mọi biến cố thăng trầm của văn hóa uống trà. Ngày nào trà sữa còn được ưa chuộng, ngày ấy, trà sữa trân châu vẫn còn tồn tại trong lòng người dùng.
