Ở một góc độ nào đó học pha chế cũng có nét tương đồng như ngôn ngữ. Học một thứ tiếng của đất nước nào đó, bạn cần biết văn hóa của họ. Đơn giản là vì ngôn ngữ cũng là một phần của văn hóa. Pha chế cũng vậy, cũng cần tìm hiểu về thói quen, cách thức, liều dùng cũng như sử dụng trong trường hợp nào. Cream Cheese chính là một trong những “từ mới” trong cuốn tự điển pha chế.

Cream Cheese là gì?
Pho-mát (hay phô mai) kem có lẽ là từ tiếng Việt sát nghĩa nhất cho cụm Cream Cheese. Đây là một loại phô mai có hàm lượng chất béo rất cao, rất mềm và có vị dịu nhẹ. Một số loại phô mai kem còn ở dạng lỏng và được đóng chai tựa như một loại tương hay nước dùng nào đó. Phô mai trên thế giới có rất nhiều loại và phụ thuộc vào văn hóa từng quốc gia, vùng miền mà có cách chế biến cũng như sử dụng rất khác nhau. Do đó, định nghĩa Cream Cheese của mỗi nước vì thế cũng không giống nhau.
Tại Hoa Kỳ, theo định nghĩa rất cụ thể của Bộ Nông Nghiệp nước này, thì phô mai kem là một sản phẩm nông nghiệp được làm từ sữa, hàm lượng chất béo từ 33% trở lên, lượng nước không quá 55% thành phần và độ pH từ 4.4 đến 4.9.
Dạng phô mai kem mà người Việt quen dùng là phô mai tươi, có màu trắng mịn, vị chua và một chút vị mặn đặc trưng của loại nguyên liệu có nguồn gốc từ Châu Âu này. Vị béo của phô mai kem vì thế cũng rất đặc biệt và không gây ngán.

Thành phần dinh dưỡng
Cheese là phô mai, Cream là kem, Cream Cheese là phô mai ở dạng kem. Thành phần của phô mai chứa rất nhiều Protein và chất béo nguồn gốc động vật (như sữa). Nguồn sữa làm nên phô mai có thể là sữa bò, sữa dê hoặc một số loài động vật khác. Phô mai kem có thể được làm từ kem, từ sữa hoặc kết hợp cả hai loại này.

Phương thức sản xuất phô mai
Đầu tiên, phần kem hoặc sữa sau khi lấy được thanh trùng bằng cách xử lý nhiệt để loại trừ một số loại vi khuẩn gây hại. Nguyên liệu này sau đó sẽ được cho thêm vào khuẩn Lactic. Tác dụng của khuẩn có lợi này là cắt nhỏ phần Protein từ kem hay sữa ban đầu thành những đoạn ngắn hơn gọi là Dextrin, có độ mềm mịn và có tính axit.
Chế phẩm này sau đó sẽ được thêm vào một số phụ liệu khác nhau để làm chặt phần bề mặt. Cuối cùng, một loại Enzyme có tác dụng làm kết chặt phần kem và làm đông chúng lại thành tảng lớn. Tùy theo nhu cầu sử dụng mà thành phần thêm vào ít hay nhiều dẫn đến mức độ mềm, đặc hay lỏng của phô mai. Phô mai kem chính là phần ở dạng lỏng.

Ứng dụng
Cream Cheese là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên những chiếc bánh Cheese-cake, Cheese Souffle, Red Velvet, Carrot-Cake, Cherry Cheese-cake Bars… Phô mai kem cũng có thể dùng chung với bánh mì, bánh Craker hoặc Cookie. Và tất nhiên, thức uống “hót hòn họt” như trà sữa không thể thiếu nguyên liệu từ phô mai kem.
Nguyên liệu phô mai kem thơm béo và mằn mặn còn được sử dụng rất nhiều trong các công thức nấu ăn. Sự phổ biến của nó, nhất là ở Mỹ và các nước Tây Âu, rộng rãi đến mức nó tựa như một loại gia vị giống như bột ngọt, đường hay xì dầu ở Trung Hoa đại lục hay các nước Châu Á khác. Các món ăn đậm chất Tây phương thường sẽ không thể thiếu nguyên liệu Cream Cheese.

Không chỉ ngon phần chất, phô mai kem còn được ưa chuộng bởi màu sắc và độ mịn của nguyên liệu này. Nó được dùng trong việc trang trí một số món bánh kem, làm lớp Milkfoam hoặc lắc trộn với các nguyên liệu khác. Màu vàng nhạt, trắng sữa hay mật ong luôn làm kích thích bao tử của các “fan” thuộc “team thích nấu nướng”.
Phô mai kem đã có một hành trình rất dài cả về không gian lẫn thời gian để giờ đây, xuất hiện rất nhiều trên bàn pha chế của người Việt. Công thức pha chế đậm chất Tây phương sẽ không thể thiếu Cream Cheese, đặc biệt với những người có gu ăn uống với hương vị thơm béo và mặn nhẹ đặc trưng của nguyên liệu này.